Trả lời:
Người gửi: Nguyễn Huy Đức (huyduc**@gmail.com)
Câu hỏi: Mẹ tôi bị thoái hóa khớp, bác sĩ kê đơn toàn thuốc giảm đau. Xin hỏi mẹ tôi dùng thuốc tây thời gian dài có tác dụng phụ gì không?
Trả lời:
Chào bạn Huy Đức! Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đến Khương Thảo Đan!
Hiện nay để điều trị thoái hóa khớp và giảm các cơn đau, các nhóm thuốc thường được sử dụng là:
Thuốc uống, gồm:
- Paracetamol;
- Các thuốc có chứa Corticoid như: prednisolone, dexamethasone, beta-methasone…
- Các thuốc nhóm kháng viêm không steroid (NSAID), như: aspirin, diclofenac, ketoprofen, ibuprofen…
- Nhóm thuốc chiết xuất từ opioids liều thấp, như: codein, tramadol
Thuốc tiêm, gồm:
- Thuốc tiêm Corticosteroid
- Thuốc tiêm Hyaluronic
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Thuốc dùng tại chỗ, gồm:
- Kem capsaicin bôi ngoài da;
- Gel NSAID thoa tại chỗ.
Tất cả các loại thuốc nói chung và thuốc điều trị thoái hóa khớp nói riêng, đều có thể gây ra các tác dụng phụ. Đặc biệt, nếu sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ thuốc còn có thể sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng và các tác dụng phụ rất nguy hiểm.
Dưới đây là những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các nhóm thuốc điều trị thoái hóa khớp.
Tác dụng phụ của các nhóm thuốc điều trị thoái hóa khớp
Lưu ý: Đây không phải là danh sách của toàn bộ các tác dụng phụ khi sử dụng các nhóm thuốc này.
Paracetamol
Paracetamol là loại thuốc giảm đau phổ biến nhất. Nhìn chung, thuốc này được dung nạp tốt với liều điều trị. Các tác dụng phụ thường được báo cáo nhất bao gồm: buồn nôn, nôn, táo bón.
Tác dụng phụ hiếm xảy ra gồm có:
- Phân có máu hoặc đen;
- Nước tiểu có máu hoặc đục;
- Sốt có hoặc không có ớn lạnh;
- Đau ở lưng dưới và/hoặc bên hông;
- Phát ban trên da, nổi mề đay, ngứa
- Đau họng;
- Loét hoặc đốm trắng trên môi, trong miệng;
- Lượng nước tiểu giảm đột ngột
- Chảy máu bất thường hoặc bầm tím
- Vàng mắt, da
Khi sử dụng quá liều, paracetamol có thể gây tiêu chảy, tăng tiết mồ hôi, ăn mất ngon, buồn nôn/nôn, đau bụng,…

Các thuốc có chứa Corticoid
Sử dụng các thuốc có chứa corticoid rất phổ biến, thuốc giúp giảm đau nhanh nhưng tác dụng không lâu dài, do đó phải sử dụng liên tiếp và kéo dài, nếu ngưng thuốc, bệnh nhân sẽ bị đau lại.
Tác dụng phụ của các thuốc đường uống có chứa Corticoid được sử dụng trong thời gian ngắn gồm:
- Tăng thèm ăn;
- Tăng cân;
- Mất ngủ;
- Giữ nước;
- Thay đổi tâm trạng, chẳng hạn như cảm thấy cáu kỉnh, hoặc lo lắng.
Tác dụng phụ khi sử dụng dài hạn (hơn 3 tháng), gồm:
- Loãng xương, làm xương dễ gãy;
- Tăng huyết áp;
- Béo phì (do giữ nước);
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng;
- Đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp;
- Mỏng da,
- Dễ bị bầm tím;
- Tứ chi bị teo nhỏ do teo cơ;
- Biến chứng tiểu đường, tim mạch.
Tuy nhiên, ngay cả khi gặp các tác dụng phụ, bệnh nhân cũng không được tự ý đột ngột dùng thuốc. Bởi trong quá trình dùng thuốc này, cơ thể sẽ giảm sản xuất steroid tự nhiên. Nếu đột nhiên ngừng dùng chúng, cơ thể sẽ không có đủ steroid để hoạt động bình thường và có khả năng sẽ bị: mệt mỏi, giảm cân, buồn nôn và nôn mửa, chóng mặt, tiểu chảy, đầy bụng,…

Các thuốc có chứa Corticoid giúp giảm đau nhanh nhưng tác dụng không lâu dài, do đó phải sử dụng liên tiếp và kéo dài (Ảnh minh họa)
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
NSAID không kê đơn thường có ít tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc kê đơn. Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng NSAID là:
Các vấn đề dạ dày. Bao gồm:
- Kích thích hoặc đau
- Ợ nóng
- Đầy hơi
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Chảy máu và loét dạ dày
- Buồn nôn
- Nôn
Đau tim và đột quỵ. Ngoại trừ aspirin, NSAID có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, đột quỵ hoặc đau tim.
Tăng huyết áp. Tất cả các loại NSAID đều có thể làm tăng huyết áp cho dù bạn có bị huyết áp cao hay không. NSAID cũng có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc huyết áp.
Vấn đề về thận. Phổ biến nhất là tình trạng thận giữ nước khiến mắt cá chân và bàn chân sưng lên.
Phản ứng dị ứng. NSAID rất hiếm khi gây ra các phản ứng dị ứng, nhưng nó cũng có thể khiến:
- Sưng môi, lưỡi hoặc mắt;
- Khó thở, khò khè;
- Khó nuốt;
- Phát ban hoặc nổi mề đay.
Bầm tím hoặc chảy máu. NSAID có thể làm giảm khả năng đông máu, điều này dẫn tới việc bạn dễ bị bầm tím hơn hoặc mất nhiều thời gian hơn để cầm máu.
Sử dụng thuốc càng lâu, nguy cơ gặp tác dụng phụ càng cao, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi.
Tác dụng phụ khác. Một số người có thể gặp phải:
- Chóng mặt
- Vấn đề cân bằng
- Khó tập trung

Nhóm thuốc opioids
Tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc opioids là: buồn ngủ, táo bón, buồn nôn.
Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra những tác phụ nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng, đặc biệt là khi dùng quá liều:
- Hô hấp yếu;
- Nhịp tim chậm;
- Mất ý thức.
Opioids cũng có khả năng gây phụ thuộc cao, bởi nó có thể khiến não và cơ thể bạn tin rằng thuốc là cần thiết cho sự sống của bạn. Theo Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy, hơn 2 triệu người Mỹ lạm dụng opioid và mỗi ngày có hơn 90 người Mỹ tử vong do dùng quá liều opioids.
Ngoài ra, nếu bạn đột nhiên ngừng dùng opioids, bạn có thể gặp phải các triệu chứng thần kinh, như: bồn chồn hoặc mất ngủ.

Thuốc tiêm Corticosteroid
Corticosteroid khi tiêm vào cơ và khớp có thể gây ra một số phản ứng đau và sưng tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, điều này sẽ cải thiện trong vòng một vài ngày.
Corticosteroid dạng tiêm cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Kích ứng dạ dày, chẳng hạn như khó tiêu hoặc ợ nóng;
- Nhịp tim nhanh;
- Buồn nôn;
- Mất ngủ;
- Có vị kim loại trong miệng;
- Thay đổi tâm trạng (từ hạnh phúc trở nên cáu kỉnh chỉ trong một phút, chán nản, bồn chồn).

Thuốc tiêm Hyaluronic
Vì cơ thể có thể sản xuất axit hyaluronic một cách tự nhiên, nên khi tiêm axit này hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc phản ứng dị ứng. Các tác dụng phụ ngắn hạn phổ biến nhất là: đau nhẹ tại chỗ tiêm và tích tụ dịch nhỏ trong vài ngày.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Đây cũng là một liệu pháp an toàn. Nhưng ở một số người, vẫn có thể gặp các tác dụng phụ, như:
- Đau nhức cấp tính ở khu vực tiêm;
- Nhiễm trùng tại chỗ tiêm;
- Phản ứng dị ứng (rất hiếm khi xảy ra);
- Xuất hiện các cục máu đông;
- Thay đổi màu da xung quanh vết tiêm.
Kem capsaicin bôi ngoài da
Các tác dụng phụ phổ biến nhất khi sử dụng kem bôi capsaicin là:
- Nóng tại chỗ bôi;
- Ngứa;
- Đỏ da;
- Sưng tấy;
- Đau.
Tuy nhiên, những tác dụng phụ này thường chỉ là ngắn hạn và sẽ giảm bớt trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, do bản chất của capsaicin, khi sử dụng thuốc không đúng cách hoặc khi hít phải kem, nó có thể gây suy hô hấp, hắt hơi và khó thở.

Gel NSAID thoa tại chỗ
NSAID ngoài dạng uống còn có dạng dùng tại chỗ. Tác dụng phụ phổ biến của NSAID tại chỗ là:
- Ợ nóng, đầy hơi, đau dạ dày, buồn nôn, nôn;
- Tiêu chảy, táo bón;
- Nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ;
- Nghẹt mũi;
- Ngứa, tăng tiết mồ hôi;
- Tăng huyết áp;
- Đỏ da, ngứa, khô, đóng vảy hoặc bong tróc nơi bôi thuốc.
NSAID tại chỗ cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng (như: nổi mề đay, hắt hơi, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, thở khò khè, khó thở, sưng ở mặt hoặc cổ họng) hoặc phản ứng da nghiêm trọng (sốt, đau họng, nóng mắt, đau da, nổi mẩn đỏ, tím da với phồng rộp và bong tróc).
Mặc dù nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng là thấp, tuy nhiên thuốc này cũng có thể được hấp thụ qua da và gây ra các tác dụng phụ steroid trên toàn cơ thể.
Các hội chứng điển hình khi dùng thuốc điều trị thoái hóa khớp
Ngoài các tác dụng phụ vừa kể ở trên, một số hội chứng không điển hình dưới đây người bệnh cũng cần chú ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp.
Các biểu hiện viêm khớp gia tăng
Khi uống thuốc, người bệnh cảm thấy đau hơn, sưng hơn, khớp cứng hơn. Tuy nhiên bạn cần biết rằng, ban đầu có thể xuất hiện các phản ứng theo xu hướng xấu do thuốc bắt đầu tác dụng. Nếu sau một ngày, các biểu hiện này không được cải thiện và tiếp tục phát triển thì rất có thể thuốc đã không có tác dụng, cần phải thay thế thuốc hoặc điều chỉnh lại liều dùng ngay.

Tăng thân nhiệt
Nếu nhiệt độ tăng không đáng kể (dưới 38 độ C), đó có thể là biểu hiện bình thường của phản ứng viêm khớp, nhưng nếu nhiệt độ tăng hơn nhiều (trên 38 độ C), phải nghĩ đến khả năng về một bệnh nhiễm khuẩn. Nhiều thuốc trị thoái hóa khớp có thể làm suy giảm hệ miễn dịch cũng như giảm thiểu tuần hoàn và làm tăng một cách đáng kể nguy cơ bị các bệnh do vi khuẩn và siêu vi khuẩn.
Các thuốc chính gây suy giảm hệ miễn dịch là: methotrexate, immuran, remicade, cyclosporine, cytoxan… Phát hiện và điều trị kịp thời các biểu hiện nhiễm khuẩn sẽ giúp giảm bớt những biến chứng nặng nề có thể xảy ra.
Tê hoặc cảm giác kiến bò
Các phản ứng này có thể xảy ra vì sự đè nén do phù và viêm vào các dây thần kinh. Một nguyên nhân khác là do thoái hóa dây thần kinh, do hiện tượng viêm và tổn thương mạch máu.
Ngoài ra, độc tính của một số thuốc kháng viêm cũng như thuốc làm suy giảm miễn dịch có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh ngoại vi và gây ra cảm giác tê hoặc kiến bò. Bệnh nhân cần phải thông báo ngay với bác sĩ những biểu hiện này để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Mẩn đỏ
Rất hiếm khi do các bệnh khớp gây ra, nguyên nhân của triệu chứng này thường là do các thuốc như solganal, myochrysine methoratrexate, hydroxychloro-quine.
Ðỏ mắt
Có thể do nhiễm trùng mắt. Nếu kèm theo đau nhức nặng cần phải nghĩ đến bệnh viêm các mạch máu.
Không phân biệt được màu đỏ và xanh lá cây
Thường do thuốc plaquenil làm tổn hại võng mạc gây ra. Bệnh nhân phải báo với bác sĩ và dừng uống thuốc ngay.
Buồn nôn
Hầu hết các thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp đều có thể gây nên cảm giác rất khó chịu này, đặc biệt là: ibuprofen, naproxen và một số thuốc kháng viêm giảm đau khác như: azathiprine (immuran), prednisolone, methotrexate.

Ho và đau ngực
Viêm các khớp liên sườn có thể gây đau ngực. Tuy nhiên cũng cần được khám để loại trừ khả năng có bệnh về tim và phổi. Khả năng bị nhiễm khuẩn đường hô hấp do tác dụng giảm miễn dịch của thuốc điều trị bệnh khớp có thể xảy ra và phải được điều trị bằng kháng sinh kịp thời.
Nên làm gì nếu gặp các tác dụng phụ của thuốc?
Việc gặp tác dụng phụ của thuốc là vấn đề không thể tránh khỏi trong quá trình điều trị bệnh. Điều quan trọng là bạn và mẹ của bạn cần phải nhận thức được về các tác dụng phụ này.
Trước khi dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ về những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình điều trị. Khi mới bắt đầu dùng thuốc, hãy chú ý tới bất kì triệu chứng bất thường nào mà mẹ bạn gặp phải. Một số tác dụng phụ có thể biến mất dần theo thời gian khi cơ thể đã quen với loại thuốc mới và mẹ bạn vẫn nên tuân thủ đúng phác đồ mà bác sĩ đã chỉ định.
Bạn không cần phải gặp bác sĩ nếu các tác dụng phụ nhẹ và bạn cảm thấy bạn có thể tự mình kiểm soát chúng.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ, nếu:
- Các triệu chứng không giảm dần theo thời gian;
- Chúng ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống;
Bạn nên lập tức tìm kiếm trợ giúp y tế, nếu:
- Có các phản ứng dị ứng nghiêm trọng;
- Gặp một trong những tác dụng phụ được liệt kê là nghiêm trọng trong tờ thông tin hướng dẫn sử dụng.
Làm thế nào để giảm nguy cơ tác dụng phụ?
Để giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh thoái hóa khớp. Bạn và mẹ nên:
- Trước khi dùng thuốc, cần nói với bác sĩ về các loại thuốc (bao gồm cả các loại thuốc bổ) mà mẹ bạn đang sử dụng;
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Không sử dụng đơn thuốc của người khác và không chia sẻ đơn thuốc của mình cho người khác;
- Tìm hiểu về thuốc mà mình sử dụng thông qua các thông tin có trong tờ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi bác sĩ;
- Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi muốn sử dụng các loại thuốc bổ sung không kê đơn;
- Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
- Một số tác dụng phụ sẽ giảm đi nếu thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, bạn có thể hỏi bác sĩ về những thay đổi này;
- Loại bỏ các thuốc hết hạn sử dụng
Kết luận
Trên đây là một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Tây điều trị bệnh thoái hóa khớp. Hi vọng bạn Đức và những bạn đọc còn thắc mắc về vấn đề này đã được giải đáp phần nào và biết cách xử trí khi gặp phải những tác dụng phụ này.