Trào ngược dạ dày thực quản là gì

Trào ngược dạ dày thực quản gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như bỏng rát sau xương ức, ợ nóng, ợ chua. Các triệu chứng tái phát thường xuyên gây nhiều phiền phức cho người bệnh.

 

Thực quản là gì?

Thực quản là 1 ống cơ rỗng dài khoảng 25cm, nối từ miệng đến dạ dày. Trong bữa ăn, các đầu mút dây thần kinh phân bố dọc thực quản truyền tín hiệu tạo ra các đợt co bóp, đẩy viên thức ăn đã được nhào trộn cùng nước bọt xuống dạ dày, để tiếp tục quá trình tiêu hóa.

Bình thường, các cơ thắt thực quản tạo ra áp lực lớn trong thực quản ngăn không cho thức ăn đi ngược từ dạ dày lên. Nếu vì lý do nào đó khiến áp lực cơ thắt này giảm xuống hoặc áp lực trong dạ dày tăng lên sẽ dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

Tại sao lại bị trào ngược dạ dày – thực quản?

Trào ngược dạ dày thực quản (viết tắt là GERD – Gastroesophageal reflux disease) là hiện tượng một phần chất dịch trong dạ dày đi ngược lên thực quản, qua cơ thắt thực quản dưới. Quá trình này có thể gây triệu chứng hoặc không, nhưng thông thường sẽ dẫn đến ợ chua, nóng rát sau xương ức, đau ngực…

Chất dịch trào ngược từ dạ dày lên thực quản chứa acid HCl và pepsin nên sẽ gây tổn thương niêm mạc thực quản. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào mức độ trào ngược, thời gian tiếp xúc của thực quản với chất trào ngược, độ acid của dịch trào ngược và khả năng tự bảo vệ của thực quản. Thông thường, thực quản luôn có nhu động tự nhiên không liên quan đến động tác nuốt giúp làm sạch chất trào ngược.

Trương lực cơ thắt giảm, van dạ dày – thực quản không khép gây trào ngược chất dịch từ dạ dày lên

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản như như thành phần thức ăn, trương lực cơ thắt thực quản, đoạn nối giữa thực quản và dạ dày… Thức ăn bị lưu lâu trong dạ dày lên men, sinh hơi có thể làm tăng áp lực trong dạ dày, khiến chất dịch bị trào ngược lên trên thực quản.

Một số người có cấu trúc giải phẫu bất thường như thực quản ngắn, thoát vị hoành; hoặc ở trẻ em, dạ dày nhỏ và nằm ngang ở vị trí cao hơn người lớn, trương lực cơ thắt còn yếu nên dễ bị trào ngược hơn bình thường.

Trào ngược dạ dày thực quản có triệu chứng gì?

Trào ngược dạ dày quản thường gặp các triệu chứng như:

  • Nóng rát sau xương ức: bệnh nhân có cảm giác nóng rát sau xương ức lan lên trên, thường xuất hiện sau khi ăn no, khi nằm hoặc cúi xuống. Triệu chứng giảm đi khi dùng thuốc trung hòa acid, ngồi hay đứng dậy.
  • Ợ chua, ợ nóng: bệnh nhân bị ợ lên có vị chua khó chịu trong miệng.

Một số triệu chứng không điển hình:

  • Đau ngực không do tim: cơn đau giống như đau thắt ngực, điểm đau sau xương ức, có thể lan lên vai, sau lưng, lan lên cung răng.
  • Nuốt khó, nuốt nghẹn: thường do co thắt, phù nề thực quản.
  • Nuốt đau: đau khi nuốt, thường gắn với viêm thực quản nặng, báo hiệu có biến chứng.
  • Các triệu chứng ngoài tiêu hóa: ho khan, viêm họng, khó thở về đêm, …

Triệu chứng của GERD xuất hiện do dịch vị trào ngược lên trên thực quản

Các triệu chứng điển hình của GERD thường xuất hiện sau khi ăn no hoặc khi thay đổi tư thế như nằm, cúi người về phía trước và giảm khi ngồi dậy hoặc đứng thẳng. Trào ngược có thể xuất hiện về đêm khiến bệnh nhân phải tỉnh giấc. Các triệu chứng như nóng rát sau xương ức, ợ chua có nhiều giá trị trong chẩn đoán.

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Chất trào ngược chứa acid và pepsin gây tổn thương viêm niêm mạc thực quản. Trào ngược xảy ra dai dẳng có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Thực quản Barrett: tổn thương tiền ung thư do các tế bào niêm mạc thực quản bị biến đổi dần thành các tế bào tương tự như tế nào niêm mạc dạ dày, ruột non có khả năng kháng lại acid và Hp.
  • Chít hẹp thực quản: viêm thực quản dần dần hình thành các sợi xơ gây chít hẹp thực quản, gặp trong các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản mạn tính.
  • Chảy máu thực quản: viêm thực quản nặng gây loét, khi ổ loét ăn sâu vào trong lớp cơ thực quản có thể dẫn đến chảy máu thực quản.
  • Biến chứng khác: viêm họng, ho kéo dài do trào ngược.

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?

Điều trị GERD thường hướng đến giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm nguy cơ biến chứng. Các biện pháp điều trị:

  • Điều trị nội khoa: thuốc ức chế tiết acid (PPIs hoặc thuốc kháng histamin H2), antacid, …
  • Ngoại khoa: can thiệp ngoại khoa giúp tăng trương lực cơ thắt, áp dụng trong trường hợp GERD nặng có liên quan đến cấu trúc giải phẫu.
  • Các biện pháp không dùng thuốc: chế độ ăn uống, sinh hoạt có ảnh hưởng nhiều đến triệu chứng của GERD. Bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no, không nằm ngay sau khi ăn. Tránh các thực phẩm khó tiêu, đồ ăn chua, cay, nóng, chất kích thích và ăn tăng cường rau xanh, chất xơ, thực phẩm dễ tiêu.

Lưu ý dành cho người bệnh

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản có liên quan mật thiết với chế độ ăn uống, sinh hoạt. Để hạn chế ảnh hưởng của bệnh và giảm nguy cơ tái phát, người bệnh nên chú ý một số điểm sau:

  • Kiêng đồ ăn chua, cay, nóng.
  • Ăn tăng cường rau xanh, chất xơ.
  • Ăn uống điều độ, tránh để quá đói hoặc quá no. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không ăn quá no trong 1 bữa, không nằm ngay sau khi ăn vì dễ gây trào ngược.
  • Nên ăn các loại thực phẩm giúp kích thích tiêu hóa, chất xơ, gừng, nghệ, yến mạch, ngũ cốc, bánh mì,…
  • Tránh các thực phẩm:

+ Các loại thực phẩm khó tiêu

+ Các thực phẩm sinh hơi nhiều, đồ uống có ga,

+ Chất kích thích: rượu bia, thuốc lá, cà phê, …

  • Giảm cân nếu có thừa cân, béo phì.
  • Không nằm đầu bằng.

Cập nhật lúc: 08/03/2024
Loading...